Tuesday, September 11, 2012

TRẦN BÌNH NAM * IRAN


Nếu Iran chế tạo được bom nguyên tử?
Trần Bình Nam

Thế giới đang lên cơn sốt về vấn đề Iran làm bom nguyên tử. Trong không khí chống khủng bố, Iran lại là nước công khai tuyên bố chính sách thù nghịch với Hoa Kỳ và Do Thái, thế giới - nhất là Hoa Kỳ- lên cơn sốt là một điều tự nhiên.
Nhưng trong cơn sốt mà Hoa Kỳ thiếu bình tĩnh để mở thêm một mặt trận nữa với một nước Hồi giáo trong khi mặt trận Afghanistan và Iraq đang còn phức tạp chưa có giải pháp giải quyết thì không biết mặt trận mới có phải là mặt trận cần thiết không? Chỉ một vài lời tuyên bố cứng rắn của Hoa Kỳ (trong thời gian cuối tháng 10, đầu tháng 11/2007) đã làm cho giá dầu thô tăng lên gần 100 mỹ kim một barrel ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thế giới, thì không ai có thể tiên đoán nếu xảy ra chiến tranh với Iran tình trạng cung cấp dầu thô trên thế giới sẽ bị xáo trộn đến mức độ nào.
Tuần lễ từ 5/11 kể cả hai ngày cuối tuần 10 & 11/11/2007 là tuần lễ bận rộn nhất của tổng thống Bush. Đầu tuần tổng thống Bush tiếp tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp tại Hoa Thịnh Đốn, cuối tuần đón bà thủ tướng Đức Angela Merkel tại trang trại riêng của ông ở Crawford, Texas cũng chỉ để bàn đối sách ngăn chận Iran chế tạo vũ khí nguyên tử.
Một câu hỏi cần nêu ra: Nếu Iran có bom nguyên tử thì sao? Có nhiều người nghĩ: thì đã sao!
Trên thế giới hiện nay có nhiều nước có bom nguyên tử (công khai và không công khai). Và những người lãnh đạo nước Iran vô lẽ toàn những người không có đầu óc đến độ chỉ chờ làm được bom nguyên tử là mang ra đánh Do Thái hay cung cấp cho bọn khủng bố để đánh Hoa Kỳ. Họ biết một cách chắc chắn làm vậy là tự diệt. Và có ai muốn tự diệt?
Chính vì sợ tiêu diệt lẫn nhau mà không ai dám dùng bom nguyên tử trước. Nguyên tắc sợ tiêu diệt lẫn nhau đã giúp cho trận chiến tranh lạnh kết thúc, Liên bang Xô viết chấp nhận thua trận và sau đó tan rã, mà không xẩy ra thế giới đại chiến, mặc dù có những thời điểm căng thẳng tưởng như không tránh được chiến tranh như khi Liên bang Xô viết phong tỏa Bá Linh (6/1948- 5/1949), và khi Khruchev cho lén đặt một dàn phóng vũ khí nguyên tử tại Cuba (9/1960).
Tổng thống Bush đang thuyết phục thế giới rằng Iran là một nước Hồi giáo thù nghịch với Hoa Kỳ nên nếu thế giới – qua Liên hiệp quốc – không tiếp tay với Hoa Kỳ tìm cách ngăn chận Iran chế tạo bom nguyên tử thì Hoa Kỳ có thể phải ra tay trước.
Nhưng Pakistan cũng là một mối lo vì Pakistan cũng là một nước Hồi giáo có bom nguyên tử và có nhiều thành phần quá khích. Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Pakistan bề ngoài tưởng như là một sự tranh chấp giữa tướng Pervez Musharraf chủ trương độc tài và cựu thủ tướng Benazir Bhutto đòi thực thi dân chủ nhưng thực chất đó là một cuộc tranh chấp giữa phe ôn hòa thân Hoa Kỳ (tướng Musharraf và bà Bhutto đều thân Hoa Kỳ) và phe Hồi giáo quá khích thân Taliban và al Qaeda (nằm sau lưng vụ ám sát tướng Musharraf cuối năm 2002 và vụ nổ cảm tử ngày18/10 vừa qua định tâm giết bà Bhutto khi bà trở về Pakistan).
Quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Pakistan hiện nay không phải là một quan hệ bền vững (cũng như trước đây từ thập niên 1940 cho đến năm 1979 Iran cũng đã từng là một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ), cho nên không ai tiên đoán được quan hệ đồng minh giữa Pakistan và Hoa Kỳ biến chuyển ra sao. Và trong trường hợp xấu nhất, phe quá khích thắng thế tại Pakistan thì kho bom nguyên tử (chừng 50 quả bom) của Pakistan sẽ nguy hiểm cho an ninh của Hoa Kỳ đến mức độ nào. Pakistan có nguy hiểm như Iran hay không?
Một số người lạc quan cho rằng câu hỏi này không cần đặt ra vì Hoa Kỳ đã có chương trình bảo vệ kho vũ khí nguyên tử của Pakistan, nều cần thì lấy đi (theo nhật báo The San Diego Union Tribune ngày 11/11/2007 trích từ Washington Post của ký giả Joby Warrick) trong trường hợp tình hình Pakistan trở nên rối loạn và phe Hồi giáo quá khích có khả năng cướp chính quyền. Nhưng việc này cũng không phải dễ như lấy một đồ vật trong túi.
Trên thực tế sự nguy hiểm do sự thủ đắc vũ khí nguyên tử của Pakistan cũng không kém như Iran có bom nguyên tử. Vì thế cơn sốt Iran hiện nay là một cơn sốt không cần có và chủ trương dùng chiến tranh để ngăn chận Iran làm vũ khí nguyên tử không phải là một chính sách khôn ngoan. Đánh Iran để phá hủy khả năng sản xuất vũ khí nguyên tử của Iran chỉ làm cho tình hình Trung đông trở nên rối loạn hơn và tạo điều kiện cho phe quá khích cướp chính quyền tại Pakistan.
Đứng trước một thứ vũ khí giết người kinh tởm như vũ khí nguyên tử bất cứ ai còn lương tri đều nghĩ phải chi thế giới không có vũ khí nguyên tử thì tốt hơn. Các nhà khoa học (trong đó có ông Einstein, người khám phá ra năng lượng nguyên tử chứa trong vật chất) liên hệ đến việc sản xuất vũ khí nguyên tử sau khi thấy sức tàn phá độc hại của bom nguyên tử tại Nhật Bản đã tỏ ra hối hận. Nhưng khi hung thần đã sổng ra khỏi chuồng thì khó nhốt lại vào địa ngục nên thế giới chỉ còn một cách là khôn ngoan đối với hung thần. Nói cách khác tốt nhất là có một chính sách khéo léo để cho hung thần khỏi tác oai tác quái.
Chính sách ngăn chận sự phổ biến vũ khí nguyên tử của thế giới hiện nay thiếu cân đối nếu không muốn nói là thiếu công bình.
Căn bản đặt trên nguyên tắc: 5 nước Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung quốc đã có vũ khí nguyên tử được xem là một thực tế. Các quốc gia khác không được chế tạo vũ khí nguyên tử. Để thực hiện chính sách này Liên hiệp quốc thiết lập một hiệp định gọi là Non Proliferation Treaty - NPT mà thành viên tham dự hứa không chế tạo và cũng không truyền đạt hiểu biết chế tạo vũ khí nguyên tử cho nước nào khác. Quyền lợi của thành viên là sẽ được trao đổi các hiểu biết kỹ thuật về năng lượng nguyên tử áp dụng một cách hòa bình (thường là sản xuất điện lực). Nước nào không tham dự được xem là thành phần xấu và nếu chế tạo vũ khí nguyên tử sẽ bị Liên hiệp quốc (qua Hội đồng Bảo an) trừng phạt kinh tế.
Nhiều nước không tham gia NPT như Ấn độ, Do Thái. Pakistan … và nhiều nước tham gia nhưng vẫn sản xuất lén vũ khí nguyên tử. Đến lúc này tuy không chính thức tuyên bố thế giới đều biết Do Thái, Đài Loan đã có vũ khí nguyên tử. Đức, Nhật, Nam Hàn, và có thể cả Brazil chưa có vũ khí nguyên tử nhưng có khả năng và đồ án sản xuất trong một thời gian ngắn nều cần. Năm 1974, Ấn độ thí nghiệm bom nguyên tử thành công. Về phần Pakistan, sau hai thập niên lén lút nghiên cứu, năm 1998 cũng theo chân Ấn độ cho thí nghiệm thành công vũ khí nguyên tử của mình. Liên hiệp quốc đã phản ứng mạnh mẽ và trừng phạt kinh tế Ấn độ trong một thời gian dài. Nhưng đến nay, Ấn độ và Pakistan đã được xem như là thành viên chính thức của hội những nước có vũ khí nguyên tử.
Năm 1986 Hoa Kỳ phát hiện Bắc Hàn (một thành viên của NPT) cũng đang lén lút lén chế tạo vũ khí nguyên tử. Hoa Kỳ đã cố gắng ngăn chận nỗ lực sản xuất vũ khí của Bắc Hàn bằng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” nhưng bất thành. Năm 1993 Bắc Hàn rút ra khỏi NPT và tháng 12/1998 cho nổ thử quả bom nguyên tử đầu tiên. Qua thỏa ước tháng 2/2007 mới đây với nhóm các nước Nhật, Nam Hàn, Nga, Mỹ, Trung quốc, Bắc Hàn cam kết tạm ngưng chương trình sản xuất thêm vũ khí nguyên tử và ngưng bán các hiểu biết nguyên tử cho các nước Hồi giáo để đổi lấy những quyền lợi kinh tế và ngoại giao Bắc Hàn đang cần, nhưng chắc rằng Bắc Hàn sẽ không hủy bỏ kho bom nguyên tử (dù ít ỏi) đã có.
Bức tranh đó cho chúng ta thấy các biện pháp ngăn chận sự sản xuất vũ khí nguyên tử của Liên hiệp quốc không hữu hiệu. Vũ khí nguyên tử đã phổ biến khá rộng rãi trên thế giới và đang trên đà lan rộng, và những nước có vũ khí nguyên tử không phải đều là những nước đồng minh với nhau. Liên bang Nga đang nỗ lực phục hồi vị thế siêu cường của mình, và kèn cựa với chương trình đặt hỏa tiễn của Hoa Kỳ tại Ba Lan. Trung quốc cũng là một quốc gia có khả năng biến thành thù nghịch với Hoa Kỳ do vấn đề Đài Loan hay do chính sách mới của Hoa Kỳ đối với các nước trong vùng Đông Nam Á, nhất là sự xích lại gần nhau hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Một thực tế là ngoài chiến tranh không có gì có thể ngăn chận quyết tâm trở thành một lực lượng nguyên tử của Iran. Nhưng nếu chiến tranh với những hệ lụy không lường trước được đối với nhân loại thì câu hỏi nhức đầu vẫn là: có nên dùng chiến tranh để chận đứng chương trình chế tạo bom nguyên tử của Iran không?
Tại Hoa Kỳ có luật cấm tàng trữ, sản xuất và xử dụng ma túy. Hằng năm Hoa Kỳ tiêu tốn hơn 10 tỉ mỹ kim cho chương trình ngăn chận sản xuất và chuyển vận ma túy trên thế giới để chận ma túy nhập lậu vào Hoa Kỳ. Ngân sách năm 2006 là 12.5 tỉ, và năm 2007 là 12.7 tỉ (theo Google: US. anti-drug budget). Nhưng các nước sản xuất ma túy như Columbia, Afghanistan, vùng tam giác vàng giữa Lào, Miến Điện và Thái Lan vẫn sản xuất và các thành phố Hoa Kỳ vẫn đầy dẫy ma túy. Số thanh thiếu niên nghiện ma túy không thấy suy giảm. Trước thực tế này nhiều nhà làm luật Hoa Kỳ từng đưa ra ý kiến bỏ luật chống ma túy, ai thích sản xuất cứ sản xuất, ai thích dùng cứ dùng (như hút thuốc lá vậy), hại sức khỏe thì ráng chịu và nạn ma túy có thể sẽ biến mất không còn là một vấn đề bận tâm. Đó chỉ mới là ý kiến nhưng không phải là không có lý.
Ý kiến này tại sao lại không thể áp dụng vào trường hợp vũ khí nguyên tử? Cứ để cho Iran, hay bất cứ một nước nào khác, gồng mình làm bom nguyên tử. Làm được không phải là dễ mà có làm được cũng chỉ để mà nhìn chẳng dám dùng để đe dọa ai vì đánh người khác là mua sự tự diệt./.

Trần Bình Nam

Nov. 13, 2006

binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

No comments: