Saturday, August 20, 2011

TRUYỆN HOÀNG NGUYỄN LINH



CÔ GIÁO NGA
Hoàng Nguyên Linh

Tôi là một cô giáo mới. Sau khi tốt nghiệp trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn tôi nhận được sự vụ lệnh về dạy tại tỉnh Bình Tuy, một tỉnh nhỏ ở ven bờ biển, nằm giữa Phan Thiết và Bà Rịa.

Tôi rời Sài Gòn vào một buổi sáng mùa Thu, thân nhân và bạn bè đều bận nên không ai đưa tiễn. Tôi mang một va li nhỏ đựng quần áo và một số vật dụng cần thiết không lấy gì là nặng lắm nhưng đôi chân lết bết như không nhấc lên được. Trời hôm đó không mưa to nhưng cũng đủ làm ướt áo và tạo thêm không khí u buồn, ảm đạm cho một chuyến đi dài.



Xe đò chạy Sài Gòn - Bình Tuy một ngày chỉ có một chuyến. Chúng tôi 12 người mới tốt nghiệp hẹn nhau cùng đi một lượt. Xe khởi hành lúc 8 giờ sáng nhưng 7 giờ 30 mọi người đã đông đủ. Những khuôn mặt trẻ, tuổi 20, 21, mới rời bỏ ghế nhà trường hơn 3 tháng, mặt mày non nớt, mới ngày nào còn hồn nhiên, vui cười nhưng hôm nay nhìn ai cũng có vẻ đăm chiêu, tư lự.
Lần đầu tiên bước chân vào đời, rời gia đình để đi đến một nơi xa lạ, có chiến tranh đêm ngày.
Chúng tôi sợ nhất là phải qua đoạn đường Rừng Lá khá dài, nằm giữa Long
Khánh và Bình Tuy,


nơi được nghe là sào huyệt của Việt Cộng, đầu óc chúng tôi càng thêm căng thẳng…

Chiếc xe đò cũ kỹ, ì ạch chạy mấy tiếng đồng hồ rồi cũng đến Rừng Lá. Xe phải dừng lại nhiều lần cho mấy VC quá giang. Hai chị bạn trong nhóm mang theo radio được hỏi để cho “cách mạng mượn tạm”. Nhờ có được 2 chiếc radio, mấy VC rất mừng nên chúng tôi không bị làm khó dễ gì cả. Đi hết đoạn đường nguy hiểm, người tài xế cho biết “các ảnh” thích radio lắm vì sống ở trong rừng họ buồn, không được nghe cải lương và tin tức bên ngoài. Khi chúng tôi tới tỉnh Bình Tuy trời đã về chiều, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm…

Chúng tôi không biết ở đâu nên đến thẳng Ty Tiểu Học trình diện rồi tính sau. Ông Trưởng Ty già mang cặp kính cận khá dầy nhận tờ sự vụ lệnh rồi đưa chúng tôi danh sách của 8 trường trong tỉnh cần giáo viên. Tôi và Dung nhờ ra trường đỗ hạng cao hơn mấy người trong nhóm nên được chọn trước. Hai chúng tôi về Hàm Tân cách tỉnh lỵ gần 5 cây số. Một vài bạn khác phải đi thật xa như Tánh Linh, Võ Đắt. Chúng tôi được chia nhau đến ở nhà mấy đồng nghiệp trong tỉnh để sáng hôm sau về nhiệm sở mới.


Tôi và Dung được giới thiệu đến thuê trên lầu của một gia đình thuộc loại giầu trong quận. Nhà mái ngói đỏ, trên lầu có 2 phòng, mỗi người ở một phòng. Nhà có sân thượng nhìn ra biển rất đẹp và mát. Tuy giá thuê hơi cao so với đồng lương nhưng chúng tôi được yên tâm về an ninh vì ở trên lầu và hai người ở với nhau nên có thể giúp đỡ nhau khi cần.

Thế là vì sinh kế tôi đã vào đời, đỡ gánh nặng cho bố tôi và tránh cho người dì ghẻ một cái gai trước mắt. Tôi trở thành cô giáo trẻ của đám học trò nhỏ dễ thương. Bao nhiêu hoài bão lúc còn ở trong trường tôi muốn đem ra thực hiện. Tôi nhìn đời với nhiều kỳ vọng là trau dồi kiến thức cho những trẻ em nghèo nơi thôn giã. Nhưng rồi đám học trò bé nhỏ đã đưa tôi vào thực tế của một xã hội chiến tranh, lầm than, nghèo khổ và chết chóc. Có đứa không có tình thương và sự ấp ủ của mẹ hiền, có đứa mới ra đời đã không có cha, có đứa cha mới chết vài ngày vì chiến tranh.

Đứng bên chiếc bảng đen nhìn đám học trò ngây thơ, đôi mắt óng ánh ngơ ngác, tôi thấy thương học trò của tôi, và thương quê hương tôi, thương đám dân chài mỗi sáng ra khơi, thương bãi biển Hàm Tân thật đẹp với bãi cát phẳng lì như tráng xi măng và ngọn sóng hiền hoà, thương hàng dừa xanh, cành thông rũ bên đường. Tôi tự nguyện với lòng là sẽ cố gắng chu toàn bổn phận của một cô giáo…


Đoạn đường Rừng Lá luôn luôn bị VC đắp mô không lưu thông được. Quân đội giải tỏa hôm trước, hôm sau chúng đắp mô trở lại. Chúng đắp mô rất dễ dàng, chỉ cần viết lên chiếc nón hay một tấm bìa cứng và đề : “Hôm nay có đắp mô” rồi cắm bên đường và để một khúc gỗ chắn ngang. Tất cả các tài xế phải tuân lệnh, nếu xe nào chạy qua sẽ bị du kích trong rừng bắn và tài xế sẽ bị dẫn vào trong để “kiểm thảo” nên tài xế nào cũng sợ, không dám đi qua. Tôi không về được Sài Gòn và kéo lê đời sống của một cô gíao tỉnh nhỏ ngày này qua ngày khác. Dung vì buồn nên chỉ một thời gian ngắn đã lập gia đình với một đồng nghiệp. Tôi hàng ngày đi dạy về là leo lên lầu, nghe radio và đọc sách. Tôi bắt đầu cảm thấy buồn. Tôi viết thư cho bạn ở Sài Gòn để tâm sự :

Bình Tuy ngày 12 tháng 9 năm …
Ngọc thân,
Hôm nay trời trở lạnh, gió biển thổi nhiều, ngồi một mình trong căn gác trọ, mình nhớ về Sài Gòn, nhớ đến “ bà”, đến Phượng, nhớ những người quen…
Cũng ngày này năm trước, sau lần ra đi với bao nhiêu sầu nhớ, tâm sự ngổn ngang, thân xác mệt mỏi vì cuộc hành trình quá nửa ngày trời với gió và cát bụi mình mới nhớ ra là không ghi địa chỉ người quen.

Người quen mà không nhớ địa chỉ thế mới loạn. Đầu óc mình trống rỗng. Đến nhà bà cả cả mấy chục lần mà số nhà vẫn không nhớ phải đề thế nào. Nay mới nghĩ ra cách là mình viết về cho người anh họ để cầm đến cho bà.
Ngày tháng qua đi, những ngày dài vô tận, không được biết Sài Gòn là gì, bạn bẻ ở nhà vui mạnh ra sao và Lê Lợi mỗi chiều thứ Bảy có vắng bóng giai nhân không ?


Cuộc sống Bình Tuy có lẽ vẫn muôn đời buồn chán, vẫn lặng lẽ trôi như những con tàu ngoài khơi nhả khói tuần tiễu duyên hải từ ngày này qua ngày khác. Thanh niên ở đây thì đủ sắc thái, người vui hưởng hạnh phúc gia đình với vợ ngoan và đứa con đầu lòng xinh đẹp, kẻ vào trong trường những giờ ra chơi ngồi đọc và viết thư cho người yêu, có người đánh bài thâu đêm để lấp đi những khoảng trống tâm hồn.

Bọn con gái vì buồn, vì xa nhà nên hóa ra liều lĩnh, sống bừa bãi, hùa theo nếp sống đàn ông, nhưng trái lại cũng có kẻ ngồi buồn cô độc, mơ về tình yêu ở tận phương trời xa xôi gần như tuyệt vọng. Họ đi lang thang trên những con đường mòn sỏi đá hay trên bãi biển trong những buổi chiều tà nhạt nắng. Gió lộng thổi, hơi lạnh len lỏi vào tận buồng phổi, con tim, lúc đó những kẻ xa nhà mới giật mình run sợ cho kiếp sống độc hành …


Trường mình dạy ngay sát bờ biển. Xung quanh trường có hàng dừa xanh. Trước mặt trường biển rộng bao la, sau lưng là núi đồi trùng điệp, rừng xanh bát ngát. Bình Tuy toàn rừng, ruộng vườn rất ít. Dân đa số sống bằng nghề chài lưới. Những ngày biển động người dân rất khổ sở vì họ không kiếm đủ miếng ăn…


Mải nói chuyện quyên không hỏi thăm. Bà ở nhà lúc này ra sao ? Có nhận được thư từ của anh Khánh đều không ? Mình thì vẫn thế, vẫn giậm chân tại chỗ, nhưng mình không muốn trở thành cô giáo già nơi tỉnh lẻ, mình cũng lại sợ lấy chồng vì lấy chồng thời chiến tranh mình không muốn chít vành khăn trắng đi sau chiếc xe tang khi tuổi đời còn son trẻ, không muốn đứa con thơ ra đời không có cha…

Nhưng số mệnh có lẽ đã an bài, mình cũng phải đi đến quyết định thôi, không lẽ “trơ cổ thụ” mãi, người ta sẽ gọi là “gái già”.Phải không Ngọc ? Mình mới quen một người tên Tuấn. Anh Tuấn là biên tập viên cảnh sát, mới ra trường và được bổ về đây làm phó trưởng ty cảnh sát tỉnh này. Tất cả được kể là trung bình nhưng hợp với mình. Nhưng thôi, chuyện còn mới lắm, có gì lạ sẽ cho bà biết sau.

Ngọc thân mến,
Thế là cuộc sống của mình trong chốc lát đã phải chuyển di từ thành đô về tỉnh lẻ. Lữ khách hôm nay phải tha phương cầu thực tận phương trời xa xôi, chân trời góc biển này. Nghĩ và nhớ Sài Gòn nên viết thư về bà cùng cho gửi lời thăm đến những người thân.

Đêm đã về khuya, trước khi dừng bút chúc bà gì bây giờ nhỉ ? Thôi thì cầu mong được vui mạnh luôn.
Thân mến,
Phương Nga


Vì buồn và cô đơn, tất cả bạn bè đều đã lập gia đình nên Tuấn đến với tôi không mấy khó khăn. Hai tâm hồn đang cô đơn nên dễ dàng kết hợp. Quen nhau được 3 tháng thì chúng tôi làm đám cưới. Tôi viết thư về xin phép bố cho đúng phép chứ thực ra tôi biết bố tôi cũng chẳng có ý kiến gì, tôi muốn lấy ai thì lấy. Ông là một Trung Tá bộ binh, thì giờ không có lại bị người vợ kế kèm bên, biết tôi đi lấy chồng là ông mừng rồi.


Ngày đám cưới của tôi với Tuấn rất đơn giản, chúng tôi tổ chức ngay tại tỉnh Bình Tuy. Vì chiến tranh và giao thông cách trở nên cả Tuấn và tôi không có thân nhân từ Sài Gòn ra tham dự. Ông Trưởng Ty Tiểu Học đại diện cho nhà gái và ông Trưởng Ty Cảnh Sát đại diện cho nhà trai.

Hai ông Trưởng Ty đại diện đến nhà thuê của Tuấn chứng kiến chúng tôi trao nhẫn cho nhau. Một số ít bạn bè cùng tới dự. Ăn bánh và uống nước trà chừng 1 giờ sau chúng tôi đến nhà hàng trong tỉnh đẻ ăn mừng đám cưới với sự tham dự của hầu hết các giáo chức trong ty Tiểu học và nhân viên trong ty Cảnh sát. Chúng tôi được nghỉ một tuần rồi đi làm trở lại.


Tôi hạnh phúc bên chồng và nghĩ rằng sẽ được sống những ngày êm đềm như bao cặp vợ chồng khác, chúng tôi sẽ có con và nuôi cho con khôn lớn. Tôi đang nhìn đời bằng một màu hồng rực rỡ thì bất ngờ tai ương xẩy đến. Chồng tôi đi công tác ở quận Tánh Linh bị VC phục kích bắt 4 người trong xe. Một tháng sau người tài xế là dân địa phương được thả về, chổng tôi và 2 cảnh sát khác bị mang vào trong rừng rồi không có tin tức gì nữa …


Tôi quá đau buồn và không còn tâm trí nào có thể tiếp tục dạy học nữa. Tôi đã sợ đeo vành tang trắng thì nay tôi phải để tang trong lòng. Tuấn bị giết hay bị cầm tù ? Chết hay cầm tù cũng khổ như nhau. Tuấn ơi, em đâu ngờ có ngày hôm nay, em đâu ngờ đã phải xa anh quá sớm khi tình yêu còn đang mặn nồng. Tôi muốn về Sài Gòn rồi làm bất cứ việc gì chứ tôi không thể ở đây cho nỗi buồn gậm nhấm, nhưng không có cách nào có thể ra đi được.

Cả tỉnh Bình Tuy coi như đã bị bao vây. Cuộc chiến mỗi ngày một khốc liệt, lần lượt các tỉnh phiá Bắc lọt vào tay VC. Mỗi tối tôi nghe đài BBC để biết tin tức. Sự thất thủ Sài Gòn theo đài này được tính từng ngày chứ không phải hàng tuần hay hàng tháng nữa. Ngày 27 tháng 4 năm 1975 ông cố vấn Mỹ (Smith) trong quận Hàm Tân bất ngờ đến tìm tôi. Ông Smith biết ơn tôi vì tôi đã giúp đỡ ông thông ngôn cho các viên chức trong quận không biết tiếng Anh khi người thông ngôn của ông vắng mặt, đôi khi ông còn nhờ tôi dịch lại mấy giấy tờ viết bằng tiếng Việt ra tiếng Anh.

Ông đến chào tôi để từ biệt và nói ông được lệnh phải đi ngay, không bao giờ trở lại nữa. Ông cho biết khoảng hai giờ sau máy bay trực thăng đến đưa ông đi, nếu tôi muốn về Sài Gòn thì đi với ông. Tôi suy nghĩ giây lát rồi nhận lời. Tôi thấy rằng dù tôi có ở lại cũng không giúp ích gì cho việc thả chồng tôi, nếu mai mốt mất nước vào tay VC tôi chưa chắc đã yên thân vì tôi thông ngôn cho Mỹ, họ sẽ kết án tôi là làm CIA, còn việc dạy học thì tôi không có tâm trí nào để tiếp tục nữa.

Tôi sang gặp ông Hiệu trưởng xin phép cho tôi về Sài Gòn nói là có việc bận và nhờ ông trông coi lớp cho tôi, nói xong tôi đi ngay cho ông không kịp giữ lại. Tôi về căn nhà mới thuê từ ngày chồng tôi bị bắt để lấy một số vật dụng cần thiết và trả tiền thuê trước cho chủ nhà rồi ra sân bay ngay bên cạnh nhà. Chiếc trực thăng đáp xuống, ông Smith và tôi vào trong máy bay. Máy bay xuống phi trường Vũng Tàu lấy thêm nhiên liệu rồi về thẳng Sài Gòn.

Ông Smith dẫn tôi vào căn cứ DAO của Mỹ ở Tân Sơn Nhất. Tại đây tôi nhìn thấy rất nhiều gia đình đang đợi để lên máy bay đi Mỹ, những người này phải có giấy giới thiệu đặc biệt mới vào được đây, ông Smith giải thích với tôi như vậy. Ông Smith ngỏ ý nếu tôi muốn đi Mỹ ông sẽ nói với trưởng cơ quan của Mỹ tại căn cứ này. Khoảng 10 phút sau ông trở ra tôi sẽ trả lời cho ông biết dứt khoát. Tôi nghĩ ngợi, nếu về Sài Gòn tôi sẽ ở đâu ? Bố tôi đang hành quân ngoài mặt trận còn người dì ghẻ thì tôi không thích và bà ta cũng không muốn gặp tôi. Tôi còn đang phân vân thì gặp gia đình chị bạn cùng lớp với tôi năm Đệ Nhất trường Trưng Vương đang đợi gọi tên để lên máy bay.

Tôi nói chuyện và kể hoàn cảnh của tôi cho chị nghe, chị khuyên tôi nên đi vì biết bao nhiêu người muốn đi Mỹ mà không được. Ông Smith trở ra, tôi nghe lời khuyên của chị bạn nên nhận lời. Ông Smith bắt tay tôi và nói : “Chúc may mắn, tạm biệt”. Tôi cám ơn ông rồi không biết ông đã nói gì với nhân viên trong căn cứ DAO và người này đích thân dẫn tôi đến cửa chiếc máy bay C130, đợi tôi vào trong rồi mới đi.

Nửa giờ sau những người Việt khác đã lên ngồi kín máy bay để đi Mỹ. Mọi người ngồi xuống sàn máy bay chứ không có ghế và cũng không có giây an toàn, Tôi ngồi cách chỗ chị bạn không xa lắm. Chúng tôi xuống đảo Guam ở Thái Bình Dương trời đã tối. Các nhân viên Hồng Thập Tự đón tiếp chúng tôi rất niềm nở. Chúng tôi được ăn bánh và uống nước ngọt. Sau 5 ngày tôi đến trại Campleton. Ở đây một tuần tôi được đi định cư ở thành phố Rowland Heights thuộc tiểu bang California.

Vì tôi có một mình và biết tiếng Anh nên việc định cư của tôi rất dễ dàng. Bà bác sĩ Marylin Rubin, một hội viên của nhà thờ và cũng là giáo sư của trường Đại học Y khoa đã săn sóc tôi. Tôi được ở căn chung cư một phòng ngủ với đầy đủ tiện nghi. Ba ngày sau Bà bác sĩ Marylin Rubin dẫn tôi đi khám sức khỏe. Sau kết quả thử máu và nước tiểu cả bà bác sĩ và tôi đều giật mình vì tôi đã mang thai.

Tôi lo lắng không có tiền đi bác sĩ và tiền nhà thương rất tốn kém. Bà Rubin trấn an tôi là đừng lo lắng nhiều vì là dân tị nạn chính phủ sẽ giúp, nhà thờ cũng như tôi không phải bỏ ra đồng nào cả. Tôi không hiểu gì nhưng cố gắng tin lời bà nói.


Tôi được giới thiệu đến làm cho một trung tâm giữ trẻ vì nhà thờ biết ở Việt Nam tôi đã làm nghề dạy học. Tôi nghĩ công việc này cũng hợp với tôi vì sau này sinh con tôi có thể vừa đi làm vừa trông con được. Tôi nhận việc vào ngày thứ Hai đầu tuần. Nhìn đám trẻ con chơi đùa tôi chợt nhớ đến đám học trò bé nhỏ của tôi ở trường tiểu học Hàm Tân khi xưa. Trải qua bao biến đổi dồn dập tôi đã không có thời gian nghĩ ngợi, giờ đây tôi mới thấy nỗi buồn xa quê hương.

Tôi thương chồng tôi sẽ bị tra khảo, đánh đập, đói khát trong gông cùm cộng sản. Liệu chồng tôi có đủ sức chịu đựng cảnh tra tấn không. Chồng tôi đâu biết tôi đã có thai và con tôi sau này ra đời không biết cha mình là ai. Nước mắt tự nhiên trào ra. Một đứa bé thấy tôi khóc đứng lại nhìn, tôi vội lau nước mắt rồi đến chơi đùa với đám trẻ nhỏ…


Ngày đầu tiên đi làm đã qua mau, tôi đi bộ về nhà. Người bảo trợ đã khéo chọn lựa, chỗ làm cách nơi tôi ở đi bộ mất 15 phút, tôi không phải phiền người đón đưa. Tôi đi làm được mấy tuần lễ thì đến ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ và được nghỉ lễ một ngày. Người ta rủ nhau đi coi đốt pháo bông gần chỗ tôi ở, nhưng tôi không muốn đi. Sao tôi thấy quá buồn.

Tôi không còn tổ quốc để đón mừng ngày độc lập nữa. Nước tôi đã mất, tôi không biết quê hương tôi bây giờ họ tổ chức lễ độc lập vào ngày nào ? Tháng Tư đen hay tháng Tám, tháng Chín, tháng Mười ? Bây giờ được ”giải phóng” nhưng người dân không có tự do, đời sống còn cơ cực hơn lúc chưa giải phóng thì dân tôi đâu cần giải phóng.

Trước kia dân chúng tôi tụ họp 10, 20 người đâu cần xin phép, khi được giải phóng rồi tụ tập trên 3 người nếu không có phép của nhà nước là bị phạt. Tôi cũng không hiểu như vậy thì họ đã giải phóng dân tôi hay đã nô lệ hoá dân tôi ?. Càng nghĩ đến những người cai trị ở Việt Nam tôi càng lo cho chồng tôi không biết giờ này anh ra sao. Anh ơi em nghe người ta nói VC họ ghét cảnh sát công an lắm. Anh làm sao chịu đựng nổi những trận đòn thù, tra khảo.

Anh mới ra trường chưa được một năm đã làm gì có tội với họ. Sống ở bên anh em biết anh chưa giết một người nào cũng như chưa hại một ai. Anh tốt quá và anh hiền quá sao anh lại vào nghề cảnh sát, sao anh không làm nghề dạy học như em để anh không bị bắt, không bị tù đày tra tấn và anh mãi mãi bên em.

Tôi cố gắng liên lạc về Bình Tuy và Sài Gòn nhưng không được tin tức gì về chồng tôi. Trong khi đó bụng tôi mỗi ngày một lớn. Tôi thương đứa con sắp ra chào đời sẽ không có cha. Ngày xưa đi dạy học tôi đã thương những đứa học trò có cha bị chết vì chiến tranh, vì bom đạn. Nay con tôi cũng như những đứa trẻ đáng thương kia, chỉ khác một điều là đời sống vật chất của con tôi được đầy đủ hơn.


Nghỉ ở nhà hết một ngày lễ độc lập tôi đi làm trở lại, nhìn những đứa trẻ nô đùa tôi bắt đầu cảm thấy vui. Tôi cố gắng xua đuổi những u buồn để không ảnh hưởng xấu cho thai nhi trong bụng. Tôi tìm mua những loại nhạc vui về nghe và cố gắng lập lại một cuộc đời mới. Rồi tôi hạ sinh đứa con gái đầu lòng. Nhìn nét mặt con rất giống chồng tôi, người ta nói: “Gái giống cha, giầu ba họ” không biết có đúng không nhưng tôi thấy vui vui.

Ôm con vào lòng tôi tự nhủ sẽ không bao giờ tái giá nữa, tôi sẽ cố gắng nuôi con cho thành công trên trường đời, cố gắng giúp cho con được sung sướng. Tôi nhớ lại cuộc đời tôi, nếu mẹ tôi còn sống thì tôi được học Dược. Tôi đã có bằng Tú Tài và thi đậu vào trường Dược thì bất thình lình mẹ tôi qua đời. Cô gái bên cạnh nhà hơn tôi 8 tuổi đã tỉ tê tán tỉnh bố tôi.

Cô khá đẹp và có đôi mắt tình tứ, lẳng lơ, thân hình căng tròn thật hấp dẫn thế là bố tôi mê cô và ăn ở với cô. Cô đẹp và trẻ hơn mẹ tôi, nhìn cô rất lôi cuốn làm sao bố tôi không mê được. Bố tôi lại có tính bay bướm, lúc còn sống mẹ đã khổ sở vì ghen. Tôi không trách gì bố. Đàn ông gặp người đàn bà như thế làm sao tránh khỏi đam mê. Có thể lúc mẹ tôi còn sống hai người đã nhấm nháy với nhau nên khi mẹ tôi vừa mất họ mới đến với nhau nhanh như thế.

Tôi không biết tại sao cô ở một mình, chồng cô chết hay ly dị ? Người đàn bà như cô mà ở một mình làm sao tránh khỏi con mắt tò mò của đàn ông. Bố tôi nghe lời cô xúi bẩy nên không cho tôi học Dược, bắt tôi học sư phạm 2 năm để chóng đi làm có tiền, đỡ ghánh nặng cho gia đình và có lẽ vì lòng ganh tị, cô không muốn tôi hơn cô nhiều quá.. Tôi trở thành cô giáo, rồi cuộc đời đẩy đưa nay tôi đã trở thành góa phụ trên đất nước Hoa Kỳ này.


Tôi xin nghỉ hộ sản ở nhà gần 2 tháng rồi tiếp tục đi làm lại. Bà giám đốc trung tâm giữ trẻ cũng là hội viên nhà thờ nên đã dễ dàng với tôi. Tôi mang con đến trường vừa trông con vừa trông những đứa trẻ khác. Thời gian ba năm sau, một hôm hai mẹ con tôi vừa ở trường về thì nhận được điện thoại của ông Smith từ tiểu bang miền Đông gọi sang. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao ông Smith biết được số điện thoại của tôi.

Ông giải thích là ông đã nhờ hội Hồng Thập Tự tìm kiếm người bảo trợ, rồi từ đó biết được số điện thoại của tôi. Sau khi hỏi qua về tình trạng gia đình tôi ông Smith muốn đến thăm và mời tôi đi ăn tối. Tôi rất vui mừng vì gặp lại được ân nhân nên nhận lời. Khi gặp tôi ông mừng rỡ và tỏ vẻ săn sóc tôi một cách đặc biệt và yêu quý con gái tôi.

Lúc ăn tối xong ông đưa quà cho tôi và con tôi rồi tâm sự là ông đã ly dị vợ năm ngoái, ông rất thích đàn bà Việt Nam nên muốn lấy tôi làm vợ, tôi cảm thấy không vui khi nghe lời đề nghị này, mặt tôi đỏ lên rồi cố gắng trả lời ông Smith : “Tôi cần phải biết rõ tin tức của chồng tôi và nhất là phải nuôi con tôi cho khôn lớn, tôi chưa thể lấy chồng lúc này được…”.

Ông Smith nói : “Con cô thì không trở ngại vì có thể đi theo mẹ và tôi cũng rất thìch con của cô”, ông hỏi lại tôi : “Cô định đợi tin chồng cô tới bao giờ cho tôi biết tôi sẽ đợi ”, tôi trả lời tôi không biết nhưng khuyên ông đừng chờ đợi tôi. Tôi có đời sống riêng của tôi, tôi không muốn ràng buộc bởi lời hứa. Tôi cám ơn ông Smith về bữa ăn tối và món quà cho con tôi, còn chiếc nhẫn ông tặng, tôi trả lại.

Tôi nói với ông là phong tục của nước tôi không cho phép tôi nhận chiếc nhẫn của người đàn ông khác mà không phải là người yêu hay chồng mình. Tôi không biết phong tục có như thế hay không nhưng tôi nói với ông như vậy cho dễ từ chối. Tôi từ chối cái ôm của ông Smith, chỉ bắt tay rồi ra về. Sau này ông Smith có gọi điện thoại cho tôi vài lần nhưng thấy tôi không vồn vã và lạnh nhạt nên ông hiểu ý và thôi không liên lạc nữa.


Thư từ giữa Mỹ và Việt Nam bắt đầu dễ dàng, tôi được tin từ người em họ cho biết bố tôi bị đưa ra ngoài Bắc và đã chết ở ngoài đó, không biết vì bị tra tấn, hành hạ hay trốn trại rồi bị bắn, còn người dì ghẻ thì đã bỏ đi lấy chồng 2 tháng sau khi mất Sài Gòn, bà ta lấy một cán bộ cộng sản đã có vợ ở Hà Nội vào công tác. Tin tức của chồng tôi thì vẫn mù mịt không ai biết.

Chúng tôi lại mới lấy nhau nên không biết nhiều về gia đình bên chồng. Có thể chồng tôi đã bị thủ tiêu ngay sau khi bị bắt. Vừa nghĩ tới bố rồi nghĩ tới chồng lòng tôi quặn đau. Tôi cầu nguyện chồng tôi được bình yên. Hàng đêm trong giấc mơ tôi vẫn thấy chồng tôi về, có khi đi chơi với tôi, có khi đứng chụp hình với con gái tôi…


Tôi đi làm ở vườn trẻ được lãnh lương căn bản tối thiểu nên không đủ trả cho tiền ăn và ở. Gía thuê nhà ở California lại rất cao, nhà thờ phải phụ giúp tôi một nửa. Các hội viên đều rất tốt nhưng tôi không muốn để họ cưu mang tôi mãi, tôi có danh dự của tôi. Tôi cần phải có một nghề vững chắc, có như thế tôi mới có thể tự túc được. Tôi muốn đi học Dược trở lại mà ngày xưa đã bị người dì ghẻ ngăn cản không cho học lên.

Tôi gặp bà Rubin để hỏi thăm về chương trình học. Bà Rubin rất ái ngại, bà thấy một người đàn bà có con thơ như tôi làm sao có thể học ra Dược sĩ được, nhưng thấy tôi cương quyết bà đã chỉ cho tôi tên mấy trường Đại Học gần nhà như Mt. San Antonio college( Mt. Sac), Cal Poly Pomona, Cal State Fullerton và trường Western University Pomona trong đó có phân khoa Dược, tất cả các trường này đều cách chỗ tôi ở khoảng 10 miles.

Bà Rubin nói về tài chính cũng không quan tâm lắm vì vừa xin học bổng vừa đi vay, khi ra trường có việc làm sẽ trả lại, vấn đề khó là đứa con ai trông coi để đi học. Bà Rubin khuyên tôi nên học về ngành computer vì chương trình học ngành này rất linh động, tôi có thể học các lớp vào buổi sáng rồi chiều về nhà vừa trông con vừa học bài và ngành này tìm việc cũng dễ.

Tôi cám ơn bà rồi xin nghỉ làm một ngày để đi tìm trường và hỏi thăm xem sao. Tôi đến gặp Counselor của trường Mt. Sac. Ông Counselor cũng nói như bà Rubin nhưng tôi biết thêm được một số chi tiết khác như tôi có thể xin thêm tiền trợ cấp của chính phủ và đặc biệt trường Mt. Sac có chương trình giữ trẻ cho người mẹ là sinh viên của trường nhưng khó xin vì rất đông phụ huynh muốn gửi con, ông khuyên tôi nên nộp đơn sớm.

Tôi nghe lời khuyên của ông nộp đơn nhập học khóa mùa Thu và xin gửi con gái vào trung tâm giữ trẻ của trường. Trên đường về tôi ghé vào văn phòng xin tiền trợ cấp xã hội. Tôi rất vui mừng một ngày tôi đã làm được rất nhiều việc và chỉ còn đợi kết quả. Đêm hôm ấy tôi nằm mơ tôi tốt nghiệp văn bằng kỹ sư của trường Cal Poly và có cả chồng tôi và con gái tôi đến tham dự, tôi mơ thấy tôi đội mũ và mặc áo tốt nghiệp đứng chụp hình chung với chồng và con gái.

Tỉnh dậy tôi thấy tiếc một giấc mơ thật đẹp mà đã lâu tôi không có. Nhưng tôi cũng vui, như vậy có thể chồng tôi chưa chết, tôi phải cố gắng đợi chồng tôi. Tôi cầu nguyện Trời Phật giúp tôi có đủ nghị lực để ra khỏi những cám giỗ ở đời. Tôi cũng là một con người, cũng có những đòi hỏi tự nhiên.

Những lúc tắm để vòi nước chảy trên thân thể tròn trịa với bộ ngực căng đầy tôi cũng có những khao khát thèm muốn được vuốt ve bởi người khác phái, nhiều đêm lạnh nằm co ro trong chăn tôi thèm được ôm chồng như hồi mới cưới… Nhưng tôi cầu nguyện để quên đi và hướng về hạnh phúc của con gái tôi. Con gái tôi phải được sung sướng trong vòng tay của mẹ để bù đắp cho lúc thiếu cha, khi đó tôi mới nghĩ đến việc đi lấy chồng cũng chưa muộn.


Hai tháng sau sở xã hội gửi giấy báo cho biết đơn xin trợ cấp xã hội của tôi đã được chấp thuận và cho biết số tiền tôi sẽ được lãnh, đồng thời tôi cũng nhận được giấy báo đến thi về toán và Anh Văn của trường Mt. Sac để họ biết trình độ và xếp lớp cho khóa học tmùa Thu. Khi có thời khoá biểu rồi trung tâm giữ trẻ sẽ ấn định những giờ tôi được gửi, nhưng không quá 15 giờ một tuần.

Tôi đến vườn trẻ nơi tôi đã làm từ ngày đặt chân lên đất Mỹ chính thức xin nghỉ việc 2 tuần sau đó theo đúng quy định của nơi làm việc. Tôi gọi cho bà Rubin để báo cho bà biết quyết định đi học của tôi, bà trả lời : “Nếu tôi muốn thì tôi cứ làm… ”, đó là cách trả lời chung khi bà không biết nói gì khác hơn.


Ngày đầu tiên đi học tại Đại học Mỹ, tôi không có cảm giác như bài văn của Thanh Tịnh : “Hàng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nao nhớ lại buổi tựu trường….” vì nay tôi không còn thơ ấu, tôi đã có con, hàng ngày tôi đi vội vàng gần như chạy để gửi con trong trung tâm giữ trẻ rồi vào lớp cho kịp giờ.

Con tôi rất ngoan, mấy ngày đầu nó khóc nhưng sau quen đi và biết tôi trở lại đón chứ không bỏ đi mất nên đã yên tâm chơi đùa với bạn bè. Tôi nhớ lại mấy năm còn ở Trung học Việt Nam, nhìn hình ảnh, sách báo những Đại học Mỹ thật đẹp, sinh viên nam nữ cắp sách đi bên bãi cỏ xanh mướt trong trường , tôi mong ước được đi du học để vào một trong những trường như thế.

Nay tôi đã được đi học ở đây nhưng tôi không có thì giờ để nhìn ngắm cảnh đẹp, không có thì giờ để mơ mộng và thả hồn theo gió mây nữa. Hết giờ là vội vàng đi đón con, tôi chưa bao giờ được cắp sách đi tản bộ một mình dưới tàn cây bóng mát, bên những vườn hoa hồng nở rộ hay ngồi một mình trên ghế đá để nhìn ngắm những cặp tình nhân dạo bước đi qua.

Thư viện thật lớn với đầy đủ các sách nhưng tôi ít khi được vào ngồi trong đó. Một thoáng buồn hiện ra rồi bước chân tôi đã đến trung tâm giữ trẻ. Con tôi vui mừng chạy ra ôm lấy tôi, tôi ký giấy nhận con và đi tìm chỗ học bài để đợi lớp học kế tiếp. Tôi muốn được vào thư viện nhưng họ không cho dẫn trẻ con vào nên đành phải ngồi ở những phòng trống chưa có lớp, nếu ngày nào hết giờ thì tôi về thẳng nhà. Cứ như thế ngày này qua ngày khác, hơn 2 năm qua đi, tôi lấy được bằng Associate Degree của Đại học cộng đồng Mt. Sac với số điểm ra trường khá cao. Tôi lên tinh thần. Tôi nộp đơn và được nhận vào trường Cal Poly Pomona, ngành điện tử.


Khi con tôi được 5 tuổi và sửa soạn đi học trường mẫu giáo, tôi sẽ nhập học trường Cal Poly. Một hôm tình cờ tôi dẫn con đi chợ 99 Ranch Market gần nhà, con tôi gặp một em bé Á Đông cỡ tuổi nó nên hai đứa nói chuyện làm quen, thấy vậy tôi đứng nhìn 2 đứa trẻ chơi với nhau, chúng nói chuyện rất vui vẻ, bất ngờ một người đàn bà trẻ cỡ tuổi tôi đi đến, tôi nhận ra người đó là Dung, bạn trong trường sư phạm với tôi và đã ở chung nhà với tôi trong thời gian mới đến Bình Tuy.

Dung gặp tôi mừng rỡ, hai đứa tôi ôm chầm lấy nhau hỏi han và nói Dung ở đường Otterbein gần trường trung học, vậy là cách nhà tôi có một đoạn đường ngắn. Dung nói con Dung năm nay vào lớp mẫu giáo trường Killian, như thế là cùng trường với con tôi. Tôi lái xe theo Dung về nhà cho biết. Căn nhà 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm Dung mới mua cách đây 2 tháng. Dung mở tiệm làm móng tay và hớt tóc, còn chồng Dung cũng là đồng nghiệp với tôi ngày trước bây giờ là chuyên viên điện tử. Chồng của Dung về nhà lúc 2 giờ chiều nên vừa kịp đón con.

Dung nói khi tôi đi khỏi Bình Tuy cả Ty Tiểu học họ nói tôi đã lấy ông cố vấn Mỹ (Smith) và theo chồng về Mỹ, bây giờ Dung mới hiểu tin đồn đó là không đúng. Khi tôi đi rồi mọi người xôn xao, có người chê là chồng tôi mới bị bắt đã vội lấy chồng khác, có người tỏ ra thèm muốn vì được đi ngoại quốc khi đất nước lâm nguy.

Vợ chồng Dung và mấy người bạn rủ nhau mua chiếc thuyền ra khơi vì họ rất sợ cộng sản, cũng may khi ra đến hải phận quốc tế thì được tàu Mỹ cứu đưa về Phi Luật Tân, gần một năm sau được đến định cư ở California thuộc thành phố West Covina. Dung bảo tôi mang đồ mua ở chợ về nhà cất rồi sang ăn cơm với Dung vì chồng Dung bận đi dự tiệc cho buổi ra mắt sách của người bạn.

Tôi để con ở lại chơi với con Dung và về nhà cất đồ rồi trở lại nhà Dung. Hai chúng tôi bây giờ mới lại có dịp nấu ăn chung với nhau. Sợ tôi quá xúc động nên đợi ăn cơm xong Dung mới cho tôi biết cách nay hơn một năm Dung có gặp Tuấn và mời đến nhà chơi, Tuấn cho biết khi bị bắt giam tưởng như không có ngày về. Những người làm nghề cảnh sát, công an như Tuấn bị canh chừng rất nghiêm ngặt. Ba năm sau ngày mất nước Tuấn bị đổi sang giam tại trại tù Hàm Tân.

Một hôm Tuấn và mấy người tù đi chặt cây trong rừng bất ngờ gặp Trang dẫn học trò ra bãi biển cắm trại. Trang là chị bạn dạy học với tôi và Dung ngày xưa, chị là người địa phương, vì thiếu giáo viên nên được tuyển vào dạy ăn lương tháng chứ không phải giáo viên chính ngạch. Chị và Tuấn chỉ gật đầu chào nhau chứ không dám nói chuyện. Em gái của Trang đính hôn với người quản giáo trông coi các trại giam trong địa phận Bình Tuy. Trang nói em gái gọi người quản giáo trại giam đến nhà chơi và nhờ giúp đỡ cho Tuấn.

Thế là Tuấn được đối xử tử tế. Người quản giáo cũng yêu cầu Tuấn khai lại hồ sơ của Tuấn ở đoạn là vợ Tuấn làm nghề dạy học và đã về Sài Gòn lấy người khác ngay khi Tuấn bị bắt nay không còn liên lạc gì với Tuấn nữa và bỏ đi chỗ vợ Tuấn cộng tác với CIA rồi trốn chạy đi Mỹ như đã ghi trong hồ sơ trước đó.

Tuấn được báo cáo học tập tốt nên chỉ thời gian ngắn được thả ra. Tuấn đến thăm và cám ơn Trang rồi ngậm ngùi đứng nhìn ngôi trường tiểu học nơi tôi đã dạy ngày trước và ra đi về Sài Gòn. Tuấn cũng nói Tuấn có gửi tiền về tặng Trang, cùng em gái của Trang để cám ơn sự giúp đỡ của họ.

Em rể của Trang nay đã đổi về làm trưởng ty công an của tỉnh Bình Tuy chỗ Tuấn làm ngày xưa. Dung cũng nói Tuấn muốn cho tôi được hạnh phúc với chồng nên không muốn liên lạc với tôi nữa nhưng Tuấn vẫn yêu tôi và có lẽ không muốn gợi lại những kỷ niệm xưa nên không muốn liên lạc nhiều với vợ chồng Dung và nay không biết Tuấn ở đâu. Dung thấy tôi ngồi buồn nên lại ôm lấy tôi an ủi : “Mình sẽ cầu nguyện cho Nga, mong anh Tuấn sẽ hiểu Nga vẫn còn đợi chồng và hai người được đoàn tụ với nhau”.


Để đánh tan không khí u buồn, Dung chỉ hai đứa trẻ chơi với nhau và đề nghị để con tôi về nhà Dung rồi tôi sẽ đến đón con sau. Được Dung san sẻ tôi cũng bớt buồn và như vậy là Tuấn còn sống như tôi đã từng cầu nguyện. Tôi cám ơn Dung nhưng nói lúc này tôi còn rảnh để tôi đón con của Dung về nhà tôi 3 ngày, còn 2 ngày kia tôi có lớp học nên nhờ chồng của Dung.

Dung còn đề nghị cho tôi thuê một phòng nhưng tôi từ chối vì ngày xưa Dung chưa có gia đình ở với nhau thì không sao, nay hoàn cảnh đã khác, rồi lại xẩy ra sự ghen tuông mất tình bạn bè. Lúc ra về Dung nói nhỏ bên tai tôi : “Bà mải lo học nhưng nhìn vẫn tình tứ lắm chưa chịu lấy chồng cũng hay thật, nhìn bà tôi còn mê nữa là đàn ông…”, người ngoài nhìn tôi như vậy làm sao tôi dám đến ở chung nhà với ai được.

Con tôi có bạn nên rất vui, tôi được yên tâm học hành, không còn phải lo lắng gì nữa. Hai đứa trẻ chơi chung với nhau rất hòa thuận càng tăng thêm tình bạn của tôi với vợ chồng Dung. Thời gian cứ thế qua đi tôi tiếp tục gặt hái được kết quả tốt đẹp cho việc học.

Còn hơn tuần nữa tôi ra trường và sẽ dự lễ tốt nghiệp để nhận văn bằng kỹ sư điện tử. Tôi cũng nhận được giấy gọi đi làm cho một công ty điện tử ở Fullerton ngay khi tốt nghiệp.


Tôi vừa ăn cơm tối xong và đang sửa soạn giấy mời những người đến dự lễ ra trường của tôi , sau đó mời đi nhà hàng ăn mừng tôi tốt nghiệp như bà bác sĩ Rubin, bà giám đốc vườn trẻ và vợ chồng Dung. Bất ngờ Dung gọi điện thoại cho tôi : “ Nga ơi ! Dung đây. Tối nay tắm rửa sạch sẽ và mai đi mua cái giường mới nghe chưa …”.

Tôi ngạc nhiên, sao điện thoại gì lạ vậy, Dung nói tiếp: “ Khỏang 10 phút nữa vợ chồng mình tới, có cả người bạn ở Bình Tuy nữa”, tôi chưa kịp hỏi là ai thì Dung gác điện thoại. Tôi vội trang điểm qua loa vì có khách đến nhà. Nghe chuông điện thoại tôi ra mở cửa, Tuấn hiện ra trước mặt, tôi kêu lên : “Anh ! Có phải anh không ! Em không mơ chứ ! Em yêu anh quá ! Em nhớ anh quá !”.

Chúng tôi ôm nhau mừng rỡ, nước mắt tôi trào ra rồi tôi gọi con gái. Tuấn ôm con vào lòng, con bé bén lẽn nhưng có lẽ nó nhìn hình bố đã quen nên không chống đối. Nga hỏi sao không thấy Dung vào nhà, Tuấn nói anh chị ấy có đến cửa nhưng đã về, chắc anh chị ấy muốn cho mình tự do yêu nhau…


Tôi trách Tuấn sao không liên lạc với tôi, Tuấn nói khi được thả ra Tuấn đi tìm tôi nhưng mọi người đều nói tôi đã lấy ông cố vấn Mỹ nên chồng tôi tưởng thật. Chiều nay tình cờ đi hớt tóc ở tiệm của Dung, Dung đã cho Tuấn biết tất cả. Tôi bị chồng hiểu lầm nên nức nở khóc. Con tôi chạy lại lấy giấy lau nước mắt cho tôi và hỏi : “Sao mẹ lại khóc ? Mẹ mong ba, nay ba đã về mẹ phải mừng chứ ?”.

Tuấn xin lỗi vì đã hiểu lầm lòng chung thủy của tôi và dỗ dành tôi : “Em nín đi không con nó không hiểu rồi nó lại lo”. Tuy tủi thân khóc vậy nhưng tôi cũng biết chồng tôi hiểu lầm tôi là phải. Chồng tôi bị giam trong tù nên mang rất nhiều mặc cảm, khi nghe mọi người cùng nói như thế làm sao chồng tôi không tin được.

Rất may chồng tôi đã gặp Dung nên chúng tôi mới được gần nhau như hôm nay. Tôi rất vui mừng trong danh sách tham dự lễ tốt nghiệp có thêm tên chồng nữa. Tôi ôm Tuấn chặt hơn và hôn Tuấn thật lâu để bù lại bao nhiêu năm nhớ nhung chờ đợi và thèm hơi thờ của chồng. Hôm nay tôi đã tìm lại được nụ hôn nồng ấm của chồng như ngày nào…
Hoang Nguyen Linh

No comments: