Saturday, August 20, 2011

NGÔ NHÂN DỤNG * TRUNG CỘNG TÀN ÁC






Học cách giết người của Mao

Thursday, September 30, 2010

Ngô Nhân Dụng


Nói đến văn hóa, chúng ta thường nghĩ tới những điều lớn lao như tư tưởng, triết học, cách giáo dục, cách tổ chức xã hội, vân vân. Nhưng đời sống văn hóa hai dân tộc khác nhau được thể hiện trong cách sống hàng ngày, cách người ta chào hỏi nhau, ăn uống với nhau, chúc mừng, biếu xén nhau, vân vân. Văn hóa khác nhau, trong cách sống, cách chết, ngay cả cách giết người cũng khác nhau.

Văn hóa Việt Nam xưa nay biểu lộ những quan niệm về sống, chết khác hẳn người Trung Hoa. Nhưng phải thú nhận phong cách giết người của nước mình rất thô sơ, chưa bao giờ nhiều sáng kiến phong phú như bên Trung Quốc. Tiểu thuyết Ðàn Hương Hình của Mặc Ngôn cho rất nhiều thí dụ về các kỹ thuật độc đáo của người Trung Hoa trong việc tra tấn người đến chết. Trong lịch sử còn ghi những chuyện thật, không hư cấu. Ðời Võ Hậu nhà Ðường, Tố Nguyên Lễ đã sáng chế ra các khí cụ và phương pháp tra tấn gọi tên là Lồng Sắt và Phơi Cánh.

Không có tài liệu mô tả các hình cụ đó thế nào, nhưng các quan trong triều chỉ nghe thấy đã rùng mình. Nguyên tắc của hình quan là hễ bắt một người thì phải làm sao cho hắn phải khai ra hàng chục người khác để trị tội. Tố Nguyên Lễ đã dùng phương pháp dây chuyền này xử tử hình cả nghìn người. Một người kế vị ông ta là Lai Tuấn Thần, đã phát minh ra những cách tra tấn kỳ diệu hơn và giết nhiều người hơn nữa.

Khi tên này bị Thái Bình Công Chúa phản công bắt giết, kẻ thù khắp nơi mừng rỡ. Họ chờ sẵn để được băm vằm cái xác hắn ta rồi “tranh nhau róc thịt, chốc lát thi thể chẳng còn gì nữa.” “Chốc lát!” Chỉ có sử gia Trung Quốc mới có hai chữ thần tình như thế. Việt Nam không có những viên quan giết nhiều người bằng các phương pháp độc đáo để dân phải oán hận như vậy, vì văn hóa nước mình khác. Cái nguy bị nhiễm “văn hóa giết người” bắt đầu từ khi Hồ Chí Minh mời các cố vấn Trung Quốc Vĩ Ðại vào nước ta thực hiện chủ nghĩa Mao Trạch Ðông.

Giữa thế kỷ 20, người Việt Nam mình cũng học và áp dụng cách giết người rất tàn bạo nhờ học các cố vấn Tầu. Thí dụ, trong cuộc cải cách ruộng đất, người Việt chôn sống đồng bào mình, chôn đứng chỉ để hở cái đầu, rồi cho trâu kéo cày đi qua. Thi sĩ Hữu Loan, tác giả Mầu Tím Hoa Sim đã kể chuyện này, nếu không chắc nhiều người không tin cảnh đó có thật. Chính song thân bà vợ của Hữu Loan đã bị giết như thế. Hai cụ từng được phong làm địa chủ cứu quốc; nhiều lần đã chở gạo nuôi bộ đội Sư Ðoàn 304 của ông, cho nên thi sĩ biết ơn.

Khi hai cụ bị giết, Hữu Loan đã cưu mang người con gái của họ, nếu không chắc cô ta sẽ chết đói. Sau ông lấy cô làm vợ mặc dù lấy con địa chủ thì phải ra khỏi đảng, bị mất hết các quyền lợi của đảng viên. Những cách giết người mới mẻ, như chôn người ta xuống giết bằng lưỡi cày, chắc là do các cố vấn Trung Cộng giúp đỡ, hướng dẫn và chỉ đạo trong thời Cải Cách Ruộng Ðất. Người Việt mình khó có ai nẩy ra được những sáng kiến như thế.

Cũng như người mình phải học trong sách Tầu mới biết những món ăn, như múc óc khỉ còn sống ra, ăn ngay trên bàn. Người mình không ai nỡ đối xử với loài vật hay với con người ác độc như vậy. Giết một mạng người cũng là ác quá rồi; chớ đừng nói trước khi giết còn hành hạ, tra tấn người ta bằng lưỡi cày! Ở bên Tầu thì khác. Họ là một quốc gia rộng lớn, vĩ đại, đông dân; người vùng này có khi coi người vùng kia như là dân khác giống. Mao Trạch Ðông đã nói nếu chiến tranh làm chết mất một nửa thì dân số Trung Hoa cũng vẫn còn đông nhất thế giới. Ðối với Mao, nhân dân chỉ là một con số, giết một mạng người đâu nghĩa lý gì. Các vua quan Việt Nam có đời nào nghĩ về dân, nói về dân mình như thế hay không?

Trước thời cộng sản, chưa thấy có. Việc nhập cảng một phương pháp giết người, số người bị giết không quan trọng bằng hậu quả, là hành động giết người tàn nhẫn đã thay đổi quan niệm của dân. Cách người ta nhìn giá trị một con người, về mạng sống một cá nhân đã thay đổi sau khi được chứng kiến các cảnh giết chóc mới. Nó thay đổi đến cách chúng ta nhìn vào mặt nhau, như những con người, như đồng bào. Chúng ta đã thấy xã hội mình có thay đổi thật sau khi được huấn luyện nuôi lòng căm thù, theo chủ trương của Mao. Lòng căm thù phải được thổi lên và nuôi dưỡng bao nhiêu lâu mới khiến con người trở thành lạnh lùng, sẵn sàng giết đồng bào và chứng kiến cảnh giết người như thế?

Cái tâm của người Việt đã thay đổi đến mức nào thì mới tổ chức được những cuộc giết người độc đáo y như bên Trung Quốc vậy? Cứ nhìn các phương pháp giết người mới, Tâm con người phải thay đổi. Con người nhìn lẫn nhau không còn thấy đó là những người làng, những hàng xóm, anh em. Họ được huấn luyện chỉ còn nhìn thấy đó là những đối tượng đấu tranh, căm thù. Bởi vậy, học giết người theo lối Trung Cộng, người Việt sẽ dần dần cũng bị đồng hóa theo nếp sống, nếp suy nghĩ và nếp tình cảm của cán bộ Trung Cộng.

Cuộc đồng hóa diễn ra theo một quá trình được hoạch định rất quy mô, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn. Cả một đội ngũ văn nghệ sĩ được lệnh làm thơ dạy bảo người Việt Nam “chưa biết căm thù thì chưa biết yêu thương.” Ý kiến đó trái ngược hẳn với những lời dạy của Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi. Ðó là một vấn đề văn hóa. Cứ hỏi tại sao nền nếp đạo lý của nước mình bây giờ bị tàn hoại, trẻ em cũng biết ăn cắp, biết trấn lột lẫn nhau. Chỉ vì người lớn đã chấp nhận nô lệ về văn hóa từ hơn nửa thế kỷ trước. Học tập Mao chủ tịch trong cách giết người của văn hóa Trung Hoa là nô lệ văn hóa nước bạn láng giềng.

Nó khiến người Việt Nam nhìn nhau theo lối người Trung Hoa. Trong lịch sử Trung Hoa có nhiều lúc họ phải nhìn nhau như thù địch, như súc vật. Vì những điều kiện địa lý, kinh tế của họ khác hẳn hoàn cảnh nước mình. Trong lịch sử Trung Quốc có những vụ giết người “vĩ đại” không thể nào xảy ra ở Việt Nam được. Thí dụ như Tướng Bạch Khởi nước Tần, tỉnh Thiểm Tây bây giờ. Chủ trương quân sự của Bạch Khởi (không rõ năm sanh, chết năm 257 trước Công nguyên), là châm ngôn “Tận địch vi thượng” trong Chu Ngữ.

Câu này nghĩa là “Giết hết quân địch là mưu lược cao nhất.” Trong cuộc đời chiến tranh 37 năm, Bạch Khởi đã chỉ huy 10 chiến dịch lớn, chiếm 70 thành trì, san bằng các nước Hàn, Ngụy, Triệu, Sở, mở rộng biên giới nước Tần, chuẩn bị cho việc thống nhất nước Trung Hoa. Năm 293 (trước Công nguyên), Bạch Khởi đem quân đánh liên quân Hàn và Ngụy. Tuy số quân bên địch đông gấp đôi, Bạch Khởi biết nhược điểm của họ là chia rẽ. Ông đánh quân Ngụy trước rồi đánh Hàn sau, giết chết 240,000 binh sĩ địch.

Nhưng trận đánh tàn bạo nhất là trận Trường Bình (Chang Ping), năm 260 ở nước Triệu. Quân Tần vây thành Thượng Ðẳng ba năm không đánh được, đã dùng kế ly gián khiến vua Triệu cách chức tướng giỏi Liêm Pha, đưa tướng dốt Triệu Quát ra chỉ huy. Bạch Khởi được bí mật đưa tới mặt trận, đã dùng kế dụ cho Triệu Quát khinh địch tấn công trước. Rồi hai cánh quân Tần xông ra cắt ngang quân Triệu. Quân Triệu phải kép lên cao cố thủ, Bạch Khởi ra lệnh quân Tần “chỉ vây mà không đánh.” Quân Triệu bị vây hãm 46 ngày, hết lương thực, hết nước uống, ăn thịt, uống máu lẫn nhau.

Triệu Quát liều mạng phá vòng vây, bị trúng tên chết trong đám loạn quân. Toàn bộ quân Triệu phải đầu hàng. Bạch Khởi đã chọn 240 trẻ vị thành niên trong đám hàng binh, thả cho về nước để gieo kinh hoảng. Số còn lại, tất cả bị chôn sống. Trong trận này quân Triệu thiệt hại tổng cộng 450,000 người, quân Tần chết khoảng trăm ngàn. Ðó là chủ trương “Tận địch vi thượng.” Làm sao một người có thể quyết định chôn sống hàng trăm ngàn hàng binh trong một đêm? Muốn đang tâm làm việc đó, phải là những kẻ không coi các “đối tượng” là những con người giống như mình nữa.

Chắc phải “đối tượng hóa,” nhìn người ta như là dê, cừu, gà, lợn, hay thấp hơn cả súc vật. Khi Ðặng Tiểu Bình ra lệnh xe tăng tiến vào Thiên An Môn bắn chết các sinh viên tay không đi biểu tình năm 1989, ông ta cũng phải có tấm lòng sắt đá lạnh lùng như Bạch Khởi. Cả hai đều có trong tay một bộ máy giết người để sử dụng, đám quân sẵn sàng tuân lệnh, không suy nghĩ. Hạng Vũ khi vào kinh đô Hàm Dương nước Tần (206 trước Công nguyên).

Muốn trả mối thù ngày xưa đã tới đây bán cơ bắp kiếm việc làm và bị sỉ nhục, Vũ bắt quan, dân, lính tráng, cung phi nước Tần làm nô lệ cho đám lính người Sở của mình. Nghe đồn dân Tần oán thoán, sợ chúng nổi loạn, Hạng Vũ ra lệnh giết 200 ngàn hàng binh, trừ hậu hoạn, đốt sạch kinh thành. Người nước Tần với người Sở nói tiếng khác nhau, y phục khác nhau, điệu hát cũng khác nhau; khi lòng thù hận nổi lên thì không những họ coi nhau như kẻ thù mà còn có thể nhìn người nước kia không khác gì cầm thú.

Giết mà không ớn tay. Các lãnh tụ tài giỏi biết khích động lòng căm thù trong đám quần chúng theo mình, thì dễ thành công trong chiến trận. Những kẻ giết người đều có lý do để tự biện minh. Nhưng trên căn bản, họ phải là những kẻ coi khinh mạng sống, coi khinh nhân loại. Mạng người rẻ quá, có lẽ vì họ vẫn nhìn chung quanh, thấy đông người quá. Cứ vài thế hệ nước Trung Hoa lại bị một trận mất mùa đói kém chết hàng loạt. Bọn vua quan không bị đói bao giờ cho nên không lo ngăn ngừa trước để dân tránh nạn đói.

Nhiều miệng ăn mà thực phẩm thì có giới hạn, thức ăn có khi quý hơn mạng người. Giết người để cướp một nắm cơm cũng phải giết. Ðời Ðường, thành Thương châu bị vây hãm. Một đấu gạo giá 3 vạn quan tiền. Giết được một tên địch, cắt đầu đem nộp thì được thưởng một vạn quan. Ba cái đầu mới đong được một đấu gạo. Sống mãi như vậy thành quen, chết như vậy mãi cũng thành quen. Suốt dọc lịch sử nước Trung Hoa có những cuộc tàn sát vô lý mà người Việt Nam không thể nào hiểu nổi.

Chắc chắn không ai bắt chước làm như họ được, trừ khi cứ nhắm mắt nghe theo lời cố vấn vĩ đại. Ðời Ðường, Hoàng Sào đi thi không đậu, đi bán muối lậu bị bắt phải hối lộ bọn tham quan mới thoát chết. Nổi lên làm loạn, khi Hoàng Sào chiếm kinh đô Trường An năm 880, đã tàn sát hết bọn tôn thất họ Lý của nhà Ðường, và gia tộc tất cả các quan lại. Lòng thù hận ghê gớm như thế. Cuối đời Minh chế độ sắp tan, Trương Hiến Trung đánh thành Lục An mãi không thắng, giận lắm. Ðến khi chiếm được thành (năm 1642) ông ra lệnh giết hết dân chúng.

Dân kêu oan, vì họ đã bị cưỡng bách phải giữ thành chứ họ không muốn chống cự. Hiến Trung giảm tội cho, ra lệnh chặt tay tất cả, đàn ông chặt tay trái, đàn bà chặt tay phải. Cả thành phố Lục An toàn người cụt tay. Năm sau, Trương Hiến Trung tấn công chiếm Vũ Xương. Tất cả những người dân còn sống được tập họp ở bờ sông, sai lính cưỡi ngựa xua đẩy dân xuống sông Trường Giang, cho chết đuối hết. Xác người lềnh bềnh, suốt mấy tháng trời không ai dám ăn cá Tất nhiên mỗi lần muốn giết 100 ngàn người thì kỹ thuật thời đó đòi hỏi phải có hàng chục ngàn người đồng tình tham dự việc giết chóc mà không gớm tay.

Kỳ Ngạn Thần, kể lại chuyện này trong cuốn “Người Trung Quốc, những hiểu lầm lịch sử” đã nhận xét là vụ tàn sát cả thành phố Vũ Xương này còn kinh khủng hơn cuộc đại thảm sát do quân Nhật gây ra ở Nam Kinh vào thế kỷ 20. Mà ở Vũ Xương lại là người Trung Hoa giết người Trung Hoa đấy. Trong thế kỷ 20, người Trung Hoa vẫn giữ được thói quen giết người tập thể.

Tác giả Giải Tư Trung, trong cuốn viết về “Sự khủng hoảng của tố chất quốc dân” kể lại rằng trong thời Ðại Cách Mạng Văn Hóa, tháng 8 năm 1966 ở huyện Ðại Hưng, bên ngoài thành phố Bắc Kinh, có 325 người đã bị chôn sống giữa ban ngày, gồm những người được gán nhãn hiệu “phần tử loại bốn” cùng với thân nhân; tổng cộng 22 gia đình; người già nhất 80 tuổi, trẻ nhất là một em bé mới ra đời được 38 ngày! Ở huyện Ðạo tỉnh Hồ Nam, trong 2 tháng có 4,193 người bị giết oan, do “hành động tự phát” của “quần chúng cách mạng.”

Người Việt mình chịu thua. Chúng ta không thể vì những vụ tàn sát kể trên mà nói rằng người Trung Hoa tàn ác hơn người Việt; cũng như không thể nói người Ðức đều ác độc căn cứ vào những vụ Ðức Quốc Xã tàn sát người Do Thái. Ðiều mà chúng ta có thể nhìn nhận là các bạo chúa, ở Ðức hay ở Trung Quốc, đều biết kích thích lòng hận thù của đám đông, thúc đẩy cho thú tính nổi dậy, gây ra tội ác tập thể.

Một điều có thể nhận thấy nữa, là trong lịch sử Trung Quốc xảy ra nhiều vụ thảm sát; có lẽ bởi vì nước họ đông người quá, người cùng nước nhưng ở xa nhau là khác cả ngôn ngữ, văn hóa, quyền lợi, khó thông cảm với nhau. Nói chung họ không quý mạng sống của đồng bào như người Việt mình. Một trong những tội nặng của đảng Cộng Sản Việt Nam là đã nhập cảng phương cách giết người của Cộng Sản Trung Hoa vào nước ta, không biết rằng nó ảnh hưởng xấu đến cả đạo lý một thế hệ, sau này sẽ còn mất nhiều thời gian gột rửa.

Tuy nhiên, văn hóa một dân tộc được xây dựng trên những điều kiện địa dư, những lưu thông, trao đổi suốt lịch sử, đã được nung nấu hàng ngàn năm. Văn hóa, phong tục có bị thay đổi một thời gian ngắn thì cũng sẽ trở về nguồn gốc. Khi nào nước ta chấm dứt được cảnh lệ thuộc chủ nghĩa Mao và lối cai trị dân theo kiểu Cộng Sản Trung Hoa, người Việt sẽ xây dựng lại nền nếp thuần hậu của dân tộc mình.


10 phụ nữ độc ác nhất Trung quốc
Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá đã thống nhất lựa chọn ra “Top ten” “đại độc nữ” điển hình. Chính những người đàn bà ghê gớm này đã làm chao đảo bao triều chính, tan nát bao gia đình...

Người Trung Quốc gọi những người đàn bà hiểm độc là “độc phụ”. Nghiên cứu lịch sử nước Trung Quốc phong kiến mấy ngàn năm, người ta thấy “độc phụ” có rất nhiều, hầu như triều đại nào cũng có.

Lã Hậu: Người đàn bà độc ác nhất trong lịch sử

Lã Hậu
Hán Cao tổ Lưu Bang và Lã Trĩ quả là một cặp vợ chồng hoạn nạn có nhau, thế nhưng sự xuất hiện của Thích Phu nhân là một trở ngại nghiêm trọng cho cuộc sống hạnh phúc của cặp vợ chồng đế hậu này.

Người Trung Quốc có câu “Nam nhi ái hậu phụ, nữ tử trọng tiền phu” (Đàn ông thì yêu vợ sau, đàn bà thường trọng người chồng trước). Thích Phu nhân mặt đẹp như hoa, thân hình gợi cảm, hát hay múa giỏi, lại sinh được cho Lưu Bang hoàng tử Như Ý.

Như Ý thông minh khôi ngô, Lưu Bang rất yêu nên có ý muốn phế trưởng lập thứ. Lã Hậu rất hoảng, tưởng bị phế đến nơi, may nhờ có các đại thần ủng hộ nên bà ta mới giữ vững được ngôi hậu.

Sau khi Hán Cao tổ qua đời, Lã Hậu chuyên quyền, bắt đầu tính đến chuyện trả thù những phi tần đã được Lưu Bang sủng ái khi trước. Thích Phu nhân là nạn nhân đầu tiên.

Bà ta sai người chặt hết chân tay Thích Phu nhân, chọc mù mắt, đâm thủng tai, bắt uống thuốc độc cho câm, sau đó quẳng kẻ tình địch trong tình trạng sống dở chết dở như thế vào một căn hầm tối, gọi là “Người lợn”. Tình cảnh của Thích Phu nhân đáng sợ đến mức ..có một lần con trai Lã Hậu là Hán Huệ Đế tình cờ nhìn thấy, sợ quá lâm bệnh, nằm liệt giường.

Những thủ đoạn giết người tàn bạo không phải là hiếm ở Trung Quốc, nhưng thủ đoạn tàn ác như Lã Hậu thì quả là có một không hai. Không những hại Thích Phu nhân, Lã Hậu còn lừa Như Ý vào trong cung.

Huệ Đế biết rõ tính mẹ, sợ đứa em cùng cha bị mẹ hãm hại nên ăn ngủ cùng nhau, không rời một bước. Nhưng dù được người anh tốt bụng che chở thì Như Ý cũng không thoát khỏi tay người đàn bà hiểm độc được mãi. Một lần, nhân lúc Huệ Đế đi săn ngoài cung, Lã Hậu đã sai người bóp chết con trai của kẻ tình địch.

Chiêu Tín: Quái vật trong triều Hán

Chiêu Tín
Chiêu Tín là cơ thiếp của Quảng Xuyên Vương Lưu Khứ, cháu nội vua Hán Cảnh Đế. Chiêu Tín đẹp thế nào thì không thấy sử sách ghi, nhưng tính tình tàn nhẫn hiểm ác thì vào loại hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc.

Theo sử chép thì lúc đầu Lưu Khứ rất sủng ái hai nàng Vương Chiêu Bình, Vương Địa Dư, hứa hẹn lập họ làm hoàng hậu. Nhưng vốn là kẻ hoang dâm vô độ nên sau này ông ta lại quay ra sủng ái Chiêu Tín. Chiêu Bình, Địa Dư rất căm tức nên bàn mưu định hại Chiêu Tín.

Chuyện bị bại lộ, Lưu Khứ bắt Chiêu Bình ra dùng khổ hình tra khảo. Đánh roi mây, Chiêu Bình nén chịu không khai, chuyển sang dùng dùi sắt đâm, Chiêu Bình đau quá phải khai. Thế là Lưu Khứ bèn triệu tập các phi tần đến, bắt họ dùng kiếm đâm chết Địa Dư, còn Chiêu Bình thì để Chiêu Tín đâm chết. Ông ta còn cho treo cổ 3 thị tỳ, sau đó đem đốt xác hai người đẹp ông ta hằng yêu dấu thành tro rồi đổ đi.

Chưa hài lòng, Chiêu Tín còn vu cáo Vọng Ngưỡng, một ái thiếp khác được Lưu Khứ sủng ái. Nghe Chiêu Tín siểm tấu, Lưu Khứ cho gọi các phi tần cùng kéo đến nơi Vọng Ngưỡng ở, lột hết quần áo nàng, bắt các phi tần dùng dùi nung đỏ gí vào người nàng. Vọng Ngưỡng bỏ chạy, nhảy xuống giếng tự vẫn, Chiêu Tín lôi lên, dùng giáo đâm vào chỗ kín, xẻo mũi cắt miệng, cắt lưỡi nàng… đem nấu chín, bắt các phi tần khác xem.

Chưa hết, Chiêu Tín còn vu cáo hãm hại một cung phi là Vinh Ái. Vinh Ái sợ quá nhảy xuống giếng nhưng không chết. Chiêu Tín lôi lên, trói lại, gí dao nung làm mù hai mắt, cắt hai tay, nung chì đổ vào miệng nàng. Vinh Ái chết, Chiêu Tín còn sai phân thây bắt chôn mỗi thứ một nơi. Có tới 14 cung phi từng được Lưu Khứ sủng ái bị Chiêu Tín hành hạ như vậy.

Lệ Cơ: Kẻ giết người không dao

Lệ Cơ
Sự hiểm độc của Lệ Cơ khác với những người khác ở chỗ “giết người không dao”.

Thời Xuân Thu, Tấn Hiến Công xuất binh đánh Lệ Nhung - một nhánh của Tây Nhung, nay thuộc huyện Lâm Đ ồng, tỉnh Thiểm Tây - giết vua Lệ Nhung, bắt Lệ Cơ công chúa là con gái ông ta mang về trung nguyên.

Lệ Cơ đẹp nghiêng nước nghiêng thành nên Hiến Công rất thích. Bất chấp lời can ngăn củ a quan chiêm bốc (thầy bói), ông ta vẫn lấy làm thiếp, sau đó Lệ Cơ sinh được con trai, đặt tên là Khê Tề.

Sinh được con trai rồi, Lệ Cơ tìm cách hành động để lo liệu cho tương lai của hai mẹ con. Trước hết, nàng dọn sạch mọi trở ngại trên con đường đưa Khê Tề đến ngai vàng, lập mưu trừ bỏ 3 công tử tài hoa là Thân Sinh, Trùng Nhĩ, Di Ngô. Nàng thẽ thọt bẩm với Hiến Công sai Thân Sinh mang quân đi đánh Nhung Địch rồi thừa cơ nắm lấy chỗ yếu, đẩy Thân Sinh đến chỗ chết, nhưng không thực hiện được.

Tiếp đó, Lệ Cơ tìm cách vu cáo bỏ thuốc độc vào thức ăn dâng lên để giết hại vua cha, bức Thân Sinh phải thú nhận rồi ôm hận tự sát. Thân Sinh chết rồi, Lệ Cơ bèn vu cho Di Ngô đồng mưu khiến Công tử Trùng Nhĩ phải bỏ chạy về Bồ Thành, còn Di Ngô chạy đến Khuất Thành.

Tấn Hiến Công nghe nói hai con trai bỏ trốn liền nổi giận lôi đình, càng tin rằng hai người đồng mưu với Thái tử Thân Sinh hại cha và Lệ Cơ nên ra lệnh điều binh đi đánh Bồ Thành. Viên quan coi Bồ Thành sợ quá khuyên Trùng Nhĩ tự sát để tạ tội, Trùng Nhĩ vội nhảy xuống dưới thành chạy trốn, người này chỉ kịp vung gươm cắt lấy tay áo của Trùng Nhĩ. Hiến Công sai người đánh Khuất Thành nhưng không được.

Sau khi Hiến Công chết, các quan đại phu tập hợp dư đảng của các công tử làm loạn giết chết Khê Tề và Trác Tử, đón Di Ngô trở về lên ngôi vua, cơn sóng gió do Lệ Cơ gây nên bấy giờ mới yên.

Triệu Phi Yến đời Hán: Cặp chị em ghê gớm

Triệu Phi Yến
Vẻ đẹp của Triệu Phi Yến có thể nói là “Đệ nhất thiên hạ”, không ai sánh bằng, nhưng sự hiểm độc của đại mỹ nhân này thì cũng không ai so được.

Triệu Phi Yến và người em gái là Triệu Hợp Đức sau khi được Hán Thành Đế đưa vào cung làm phi đã cùng nhau lật đổ Hứa Hoàng hậu.

Nói về tài múa hát và nghệ thuật phòng the của Phi Yến thì không ai sánh bằng, có giả thuyết nàng xuất thân gái lầu xanh. Chính vì là gái ca kỹ nên không còn khả năng sinh đẻ.

Người em gái cũng vậy, “hoa không thể đẹp mãi”, nếu không sinh được con trai để củng cố địa vị thì chẳng chóng thì chầy sẽ bị gạt bỏ, hai chị em họ biết rõ mối nguy hiểm đó. Hai người bắt đầu chú ý đến các cung phi được Thành Đế sủng ái khác. Một số cung phi có mang đã chuốc họa vào thân vì điều đó.

Một cung phi là Tào Cung sau khi “tiến ngự” sinh được con trai khiến Thành Đế tuổi đã 40 mà chưa có con trai mừng đến phát cuồng. Thế nhưng chị em Phi Yến hay tin đã ép vua xử tử cả hai mẹ con Tào Cung, gây nên vụ thảm án kinh hoàng. Một năm sau, tình cảnh tương tự lại xảy ra với Hứa mỹ nhân - một người cũng vừa sinh được con trai.

Thành Đế không phải không biết đến sự hiểm độc của hai người đàn bà này, nhưng do quá chìm đắm trong sắc dục nên ông ta không cương quyết được. Tận mắt thấy cốt nhục của mình bị chị em Phi Yến hãm hại mà chỉ đành gạt nước mắt than vãn.

Sử ký còn ghi “Vô số cung phi mang thai đều bị ép uống thuốc để phá bỏ”. Ông vua hoang dâm ấy gục ngã dưới váy chị em nhà họ Triệu, để mặc họ tàn hại cốt nhục của mình, bất chấp nguy cơ Hán triều bị tuyệt tự, như thế đủ biết sức quyến rũ của hai chị em nhà ấy ghê gớm đến thế nào.


Giả Nam Phong đời Tấn: Vua sợ như cọp
Giả Nam Phong Nói về sự hiểm độc, xấu xa lẫn dâm đãng thì khó ai qua mặt được Giả Nam Phong, hoàng hậu của Tấn Huệ Đế.

Là hoàng hậu.. bà ta sinh liền 4 công chúa, không có con trai thì các phi tần khác trong cung nếu ai may mắn được Huệ Đế lâm hạnh dĩ nhiên sẽ lãnh đủ. Giả Nam Phong hung tàn hơn hẳn Triệu Phi Yến. Sau khi biết tin một cung phi có thai, bà ta chạy ngay đến nơi người đó ở, giật lấy kích của thị vệ đâm cho cô ta một nhát vào ngực chết tươi. Tấn Huệ Đế sợ Giả Nam Phong như sợ cọp. Tuy luôn mồm nói mình tôn sùng “lễ pháp”, nhưng trước sự hoành hành bạo ngược của Giả Nam Phong, ông vua này cũng chỉ biết than thầm.

Độc Cô hoàng hậu đời Tùy: Cậy công làm càn Độc Cô hoàng hậu
Hoàng hậu của Tuỳ Văn Đế họ Độc Cô thực ra có thể ăn no ngủ kỹ chẳng phải lo gì đến chuyện giết chóc những người thân thích vì bà ta sinh đến 5 con trai, hơn nữa cả 5 người đều đã trưởng thành, thì còn lo gì chuyện bị thất sủng? Thế nhưng tâm lý phòng bị đã khiến bà ta trở thành người hiểm độc.

Tùy Văn Đế từng sủng ái một cung nữ ở cung Thượng Nhân Thọ, người này họ Úy Trì, rất xinh đẹp trẻ trung, có thể coi như một đóa hoa mới nở. Tùy Văn Đế bị trói buộc với Độc Cô hoàng hậu nhiều năm nay ít được những người đẹp khác chiều chuộng, gặp Úy Trì liền mê mẩn ngay.

Độc Cô hoàng hậu nghe tin, lập tức sai người đi giết Úy Trì thị khiến Tùy Văn Đế uất quá phóng ngựa ra ngoài cung lang thang suốt ngày, đến chiều tối mới rầu rĩ về cung.

Độc Cô hoàng hậu sở dĩ dám hung hãn đối kháng với chồng như thế vì bà ta luôn tự hào về việc mình đã góp công lớn cùng chồng đánh lấy thiên hạ, bà ta có làm thế thì Tùy Văn Đế cũng chả dám làm gì bà ta.

Võ Tắc Thiên thời Đường: Vì chính trị không từ điều gì

Võ Tắc Thiên
Tự cổ chí kim, ở Trung Quốc chưa có ai sánh được với Võ Tắc Thiên cả về tài hoa lẫn sự độc ác. Nhưng sự độc ác của bà ta là vì mục đích chính trị, giết con giết cháu, không điều gì không dám làm để dọn đường cho việc bản thân buông rèm nhiếp chính.

Một người phụ nữ đã được Đường Thái Tôn Lý Thế Dân ngự hạnh, sau đó lại được vị hoàng đế mới là Lý Trị đón vào cung, không phải bởi sức quyến rũ, mà bởi tình thế cuộc đấu đá tranh giành sự sủng ái trong cung đưa đẩy mà nên.

Vương Hoàng hậu tuy là người có gương mặt rất đẹp nhưng thân hình lại mảnh mai. Ở vào thời đại nhà Đường, phụ nữ đẹp phải là người đầy đặn, béo tốt thì Tiêu Thục Phi bằng vóc người phốp pháp và vẻ yêu kiều nũng nịu đã chiếm được sự sủng ái của Cao Tông Hoàng đế, Hoàng hậu gửi gắm vào Mị Nương nên cho đón vào cung để dùng làm công cụ đối phó lại Tiêu Thục Phi.

Lúc mới vào cung, Mị Nương hiền lành đáng yêu, rất được mọi người trong cung quý mến. Nhưng dần dần tình thế thay đổi, Mị Nương liên tiếp sinh hạ hai hoàng tử nên nhanh chóng trở thành thế lực mới trong cung. Từ chỗ là đồng minh, giờ đây Vương Hoàng hậu lại lo sợ, quay ra hợp mưu với Tiêu Thục Phi để đối phó lại Mị Nương.

Sau đó xảy ra vụ công chúa Như Ý con của Mị Nương bị đột tử khiến hoàng đế rất đau xót. Giữa lúc đó có người trong cung báo, trước lúc xảy ra chuyện Vương hoàng hậu có đến thăm công chúa, cử chỉ có nhiều điểm đáng ngờ. Rồi một loạt tin đồn bất lợi với Vương hoàng hậu lan ra, dần dà bà sống trong nỗi lo bị phế bỏ và trị tội.

Sau khi thanh lọc các thế lực đối địch trong triều, Mị Nương bắt đầu chĩa mũi nhọn vào các phụ nữ trong cung. Lúc đầu là việc các thuật phù thủy trừ tà của Vương hoàng hậu bị phát giác, sau đó đến chuyện bà cùng Tiêu Thục Phi bị phế làm dân thường với tội danh định dùng rượu độc làm hại Võ chiêu nghi. Hai người bị giam trong phòng tối cách biệt với bên ngoài.

Có lần Cao Tông nghĩ lại tình ân ái khi trước, động lòng trắc ẩn, định tha cho họ ra ngoài thì tin lan đến tai Mị Nương. Thế là họ bị người của Mị Nương bám theo đánh, chặt chân tay, quẳng vào chum rượu... Sau mấy ngày trong chum rượu, cả hai người đều chết thảm. Trước khi chết, Tiêu Thục Phi nguyền rủa sau khi chết sẽ hoá thành mèo để bắt chuột là “Võ yêu tinh”. Tin truyền đến tai Võ Tắc Thiên (Mị Nương), bà ta lo sợ, từ đó cấm tiệt việc nuôi mèo trong cung. Và truyền thuyết Võ Tắc Thiên sợ mèo còn truyền đến tận ngày nay.

Lý Hoàng hậu nhà Tống: Ghen tuông bệnh hoạn

Lý Hoàng hậu
Một bà hoàng khác là Lý Hoàng hậu thời vua Nam Tống Quang Tôn cũng nổi tiếng về sự độc ác với những kẻ tình địch và những thủ đoạn ngăn chặn thói lăng nhăng của chồng.

Một hôm khi Quang Tôn rửa tay chợt thấy bàn tay của thị nữ đang rửa tay cho mình trắng ngần gợi cảm, rất thích, bất giác nắm lấy ve vuốt, hôn hít và buông lời khen đẹp. Mấy hôm sau, Lý Hoàng hậu sai người dâng vua một cái hộp nói đây là thứ vua rất yêu thích nên tiện thiếp lấy để dâng lên. Quang Tôn nghe nói cả mừng, vội mở ra xem thì ra trong đó là... đôi bàn tay của thị nữ hôm nọ vua khen đẹp đã bị chặt ra. Vua kinh hãi, sây xẩm cả mặt mày.

Minh triều Vạn Trân Nhi: Không được ăn thì đạp đổ

Vạn Trân Nhi chính là nguyên mẫu trong vụ án Ly miêu tráo Thái tử được nói đến trong các phim về Bao Công.

Vạn Thị là người Thanh Châu, Sơn Đông, được tuyển vào cung từ nhỏ làm cung nữ. Lớn lên, Vạn Thị được hầu hạ Chu Kiến Thâm, dần dà hai người nảy sinh tư tình. Năm Thiên Thuận thứ 8, Anh Tôn băng hà, Chu Kiến Thâm lên ngôi khi tròn 18 tuổi, lấy hiệu là Hiến Tôn, lúc đó Vạn Thị đã 35 tuổi. Tuy tuổi tác chênh lệch nhưng hai người vẫn lén mây mưa cùng nhau. Vạn Trân Nhi đẹp một cách đầy đặn phốp pháp, có câu rằng “Thanh tú tự a Tri ệu Hợp Đức, đầy đặn như Dương Quý Phi ”, bà ta rất được Hiến Tôn sủng ái.

Nhưng sau khi Hiến Tôn lên ngôi thì hai vị Thái hậu đã tuyển chọn vào cung nhiều mỹ nữ, trong đó phải kể đến Hoàng hậu Ngô Thị, hai nàng phi Vương Th ị và Bách Thị, khiến Vạn Trân Nhi đem lòng ghen ghét, thù hận.

Ngô Hoàng hậu thấy Vạn Trân Nhi không coi ai ra gì, muốn trị cho một trận. Một hôm khi Vạn Trân Nhi vào gặp, rất ngạo mạn vô lễ, bà liền mắng. Vạn Thị không vừa liền đáp trả nói năng chỏng lỏn. Bực quá, Hoàng hậu vớ lấy chiếc gậy trong tay thái giám gõ cho mấy cái. Vạn Thị bèn tìm đến vua khóc lóc tố khổ và bịa chuyện nói khích. Hiến Tôn tức giận liền truyền chỉ phế bỏ Ngô Hoàng hậu rồi lập Vương Th ị làm hậu.

Năm Thành Hoá thứ 2 (1466), Vạn Thị sinh được con trai, được phong làm Quý phi, nhưng ít lâu sau thì đứa bé chết yểu, từ đó về sau bà ta không sinh được nữa. Vạn Thị thường ghen tuông đến mức điên khùng trước việc những phi tần, cung nữ khác trong cung được vua sủng ái. Nếu phát hiện thấy ai có thai bà ta liền sai người lấy cớ chữa bệnh để bắt uống thuốc phá thai, vậy mà vua chẳng dám làm gì ngoài việc nhỏ nhẹ phủ dụ bà ta.

Một lần, Hiến Tôn lâm hạnh một cung phi họ Kỷ, người này có bầu. Vạn Thị sai một cung nữ đi dò xét, người này bản chất lương thiện nên về nói dối là không có mang. Sau đó Kỷ Thị sinh hạ một bé trai, biết cả hai mẹ con sẽ lâm nguy nên khẩn cầu viên thái giám hãy bóp chết đứa bé đi. Thái giám thấy bất nhẫn, bèn lén đưa vào nuôi trong phòng kín. Ngô Hoàng hậu sau khi bị phế cũng thường vào thăm đứa bé.

Bấy giờ Hiến Tôn mới có một con trai là Tá Cực, chưa đầy 2 tuổi vừa được lập làm Thái tử đã bị Vạn Thị sai người giết chết. Trước nỗi đau mất con, vua vô cùng sầu não. Một hôm, vua soi gương và than thở mình tuổi đã cao mà không có con trai nối dõi. Thái giám Trương M ẫn thừa cơ bẩm báo chuyện mình đã lén nuôi được một hoàng tử. Vua cả mừng, cho đón Kỷ Thị và đứa bé vào cung. Vạn Thị nổi điên, hại chết Kỷ Thị. Trương M ẫn hoảng sợ, cũng phải nuốt vàng tự tử.

Khách Thị: Người đàn bà làm loạn triều Minh

Khách Thị

Khách Thị vốn là nhũ mẫu của Minh Hy Tôn , sau khi câu kết với thái giám Nguỵ Trung Kiên, bà ta bắt đầu khống chế các thế lực trong triều và ra tay sát hại những người phụ nữ trong cung mà xưa nay bà ta không ưa.

Minh Quang Tôn tuyển được một người phi là Triệu Thị. Người này có chút xích mích với Khách Thị, bà ta bèn giả thánh chỉ buộc Triệu Thị phải thắt cổ tự vẫn. Dụ Phi Trương Th ị nói năng có điều chạm đến Khách Thị khiến bà ta nuôi hận trong lòng, bèn kiếm lời xúc xiểm với Hy Tôn , nói đứa bé do Dụ Phi sinh ra không phải cốt nhục của vua. Hy Tôn tin lời, tống giam Dụ Phi vào lãnh cung. Khách Thị không cho tiếp tế đồ ăn khiến bà phải uống nước mưa cầm hơi rồi chết đói.

Trương Hoàng hậu rất ghét Khách Thị nên lựa lời khuyên Hy Tôn đừng nghe lời bà ta trừng phạt người ngay, nhưng ông ta không nghe. Khách Thị mua chuộc được một cung nữ trong cung Càn Ninh để ra tay hại Hoàng hậu. Khi đó Trương Hoàng hậu đang có mang, thường mỏi lưng nên sai cung nữ bóp lưng. Cung nữ đã ra tay khiến bà bị sảy thai. Chỉ vì dung túng cho Khách Thị làm hại những phụ nữ trong cung mà Minh Hy Tôn đã chịu họa tuyệt tự.

SƯU TẦM

No comments: